Đính kèm vợ/chồng hoặc người yêu (De Facto) vào visa Du học Úc

Liệu bạn có thể đính kèm vợ/chồng hoặc người yêu vào visa du học Úc?

Câu trả lời là có. Bạn hoàn toàn có thể đính kèm vợ/chồng hoặc người yêu (de facto) vào visa Du học Subclass 500 hiện tại của mình, thông qua diện Subsequent Entrant (người phụ thuộc nộp sau). Tuy nhiên, bạn cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể từ Bộ Nội vụ Úc.

Lưu ý: Nếu mối quan hệ của bạn đã tồn tại trước khi nộp đơn xin visa du học ban đầu, bạn phải khai thông tin người thân này trong đơn xin visa đó. Nếu không, người thân này sẽ không đủ điều kiện để được thêm vào visa du học hiện tại của bạn.

Để có thể thêm vợ/chồng hoặc người yêu (de facto partner) vào visa du học Úc, mối quan hệ của bạn cần đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện sau:

  • Hai bạn đã kết hôn hợp pháp, có giấy đăng ký kết hôn được công nhận.
  • Có mối quan hệ de facto, tức là sống chung như vợ chồng ít nhất 12 tháng trước khi nộp đơn xin visa.
  • Sống chung và đã đăng ký mối quan hệ tại cơ quan có thẩm quyền của bang hoặc vùng lãnh thổ ở Úc (Relationship Register), trong trường hợp chưa đủ 12 tháng sống chung.

Hồ sơ cần thiết để chứng minh mối quan hệ vợ/chồng hoặc De Facto

Việc chứng minh mối quan hệ thực sự và lâu dài là yếu tố then chốt giúp hồ sơ của người phụ thuộc được xét duyệt thuận lợi. Dưới đây là những loại tài liệu bạn cần chuẩn bị để chứng minh mối quan hệ một cách đầy đủ và thuyết phục:

  • 1. Giấy tờ pháp lý về mối quan hệ

    Giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn hợp pháp).

    Giấy đăng ký mối quan hệ de facto tại cơ quan có thẩm quyền (nếu chưa kết hôn).

  • 2. Bằng chứng về khía cạnh tài chính

    Tài sản chung: Bằng chứng đứng tên chung tài sản có giá trị như nhà ở, xe hơi, tài khoản tiết kiệm.

    Khoản nợ chung: Các hợp đồng vay nợ hoặc nghĩa vụ tài chính mang tên cả hai.

    Tài chính hằng ngày: Sao kê tài khoản thể hiện chi tiêu chung, hóa đơn sinh hoạt, hợp đồng thuê nhà, điện nước đứng tên hai người.

    Tài khoản ngân hàng chung: Sao kê tài khoản ngân hàng chung (ưu tiên sao kê từ thời điểm mở tài khoản và sao kê gần nhất).

    Lưu ý: Nếu chưa có tài khoản chung, bạn nên mở ngay khi có kế hoạch nộp hồ sơ.

    Cam kết pháp lý liên quan đến tài chính: Giấy tờ chứng minh một người là người bảo lãnh khoản vay của người kia, có quyền đại diện hợp pháp (power of attorney), người thụ hưởng bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí, hoặc là người chăm sóc chính thức.

    Các bằng chứng khác về hỗ trợ tài chính lẫn nhau: Chuyển tiền qua lại giữa hai người, thiết lập trích nợ tự động (direct debit), hoặc hỗ trợ tài chính cho nhau và/hoặc người thân trong gia đình. Tờ khai thuế có tên cả hai bạn (nếu có).

  • 3. Bằng chứng về khía cạnh sinh hoạt chung

    Chứng minh cùng sống dưới một mái nhà: Hợp đồng thuê nhà hoặc giấy tờ sở hữu nhà đứng tên cả hai. Biên lai đặt cọc và thanh toán tiền thuê nhà. Thư xác nhận từ chủ nhà hoặc quản lý bất động sản về việc hai bạn cùng sống tại địa chỉ đó.

    Hóa đơn và dịch vụ chung: Các hóa đơn tiện ích như điện, nước, gas, internet, truyền hình cáp (Pay TV), điện thoại, hội viên phòng gym hoặc dịch vụ đăng ký khác đứng tên cả hai/ gửi đến cùng địa chỉ.

    Thư từ gửi đến địa chỉ chung: Thư từ, thiệp, giấy tờ gửi từ người thân, bạn bè hoặc cơ quan chính phủ tới địa chỉ chung của hai người (tốt nhất là có tên cả hai trong cùng một tài liệu).

    Trách nhiệm nuôi dưỡng con cái (nếu có): Tài liệu thể hiện vai trò chăm sóc và hỗ trợ con chung. Giấy tờ xác nhận quyền nuôi con, quyền giám hộ, hoặc các khoản trợ cấp từ Centrelink thể hiện trách nhiệm chung với con cái.

    Mô tả về sinh hoạt hằng ngày: Thư giải trình về cách hai bạn sống chung, phân chia việc nhà, các thói quen sinh hoạt và sự phối hợp trong cuộc sống gia đình thể hiện sự gắn bó.

  • 4. Bằng chứng về khía cạnh xã hội

    Tham gia các hoạt động xã hội chung:

    • Bằng chứng (thư mời) cùng nhau tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, lễ cưới, tiệc tùng hoặc các sự kiện cộng đồng.
    • Ảnh chụp chung tại các buổi gặp mặt, sự kiện hoặc các chuyến du lịch.
    • Hồ sơ du lịch chung như lịch trình chuyến đi, vé máy bay, thẻ lên máy bay, booking khách sạn, bảo hiểm du lịch.
    • Hóa đơn thanh toán chuyến bay hoặc chỗ ở cho cả hai.
    • Hồ sơ mạng xã hội của bạn và người yêu thể hiện mối quan hệ công khai.

    Thành viên của các tổ chức xã hội:

    • Chứng minh hai bạn là thành viên của các câu lạc bộ, tổ chức xã hội như hội nhóm thể thao, từ thiện, hội viên phòng gym chung.
    • Thư từ lãnh đạo tôn giáo, nhà thờ hoặc tổ chức tôn giáo xác nhận mối quan hệ của bạn.

    Thư xác nhận từ người thân/bạn bè về mức độ nghiêm túc của mối quan hệ.

  • 5. Mức độ cam kết trong mối quan hệ

    Liên lạc trong suốt thời gian không ở cùng nhau: Thư từ, thiệp chúc mừng, email, tin nhắn thể hiện rằng hai bạn duy trì liên lạc trong các khoảng thời gian xa nhau.

    Chứng cứ về thời gian mối quan hệ và sống chung: Các tài liệu từ khi bạn bắt đầu mối quan hệ hoặc khi bạn bắt đầu sống chung.

    Bằng chứng cam kết lâu dài:

    • Di chúc của hai bạn (Bạn có thể nhờ luật sư soạn thảo di chúc)
    • Thông báo kế hoạch kết hôn, kế hoạch tương lai cùng nhau
    • Bằng chứng về việc mua nhẫn đính hôn
    • Thông tin về việc mang thai (nếu có)

Người phụ thuộc có được phép làm việc tại Úc không?

Vợ/chồng hoặc người yêu của bạn được phép làm việc trong thời gian ở Úc nếu visa phụ thuộc được cấp. Thông thường, họ sẽ có quyền làm việc giống như bạn — tức là giới hạn 48 giờ mỗi hai tuần trong thời gian khóa học của bạn đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu bạn đang theo học chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, vợ/chồng hoặc người yêu của bạn không bị giới hạn số giờ làm việc, và có thể làm việc toàn thời gian tại Úc.

Người phụ thuộc có cần tiếp tục khóa học sau khi được cấp visa không?

Vợ/chồng hoặc người yêu của bạn đang có visa du học và nộp đơn xin visa phụ thuộc. Sau khi visa phụ thuộc được cấp, họ không bắt buộc phải tiếp tục việc học. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xét duyệt, người phụ thuộc vẫn cần duy trì việc học. Nếu ngừng học trước khi visa phụ thuộc được cấp, visa du học hiện tại có thể bị hủy, dẫn đến tình trạng cư trú bất hợp pháp tại Úc.

Vợ/chồng hoặc người yêu nên ở đâu khi nộp đơn xin visa phụ thuộc?

Vợ/chồng hoặc người yêu của bạn có thể nộp đơn xin visa phụ thuộc khi đang ở trong nước Úc (onshore) hoặc ngoài nước Úc (offshore). Tuy nhiên, nếu họ đang ở Úc, visa hiện tại không được gắn điều kiện “No Further Stay” thì mới có thể nộp đơn xin visa phụ thuộc hợp lệ.

Nếu hai bạn chia tay sau khi visa đã được cấp thì sao?

Trong trường hợp hai bạn chấm dứt mối quan hệ sau khi visa đã được cấp, cả hai phải ngay lập tức thông báo cho Bộ Nội vụ Úc. Vì mối quan hệ vợ/chồng hoặc de facto không còn tồn tại, người phụ thuộc có thể bị hủy visa và có thể sẽ phải rời khỏi Úc hoặc nộp đơn xin một loại visa khác nếu đủ điều kiện.

Những khó khăn khi đính kèm vợ/chồng hoặc người yêu vào visa Du học Úc

Việc đính kèm vợ/chồng hoặc người yêu (de facto) vào visa du học Úc là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một số khó khăn có thể phát sinh trong quá trình xét duyệt:

  • Người phụ thuộc phải chứng minh ý định tạm trú thực sự (Genuine Temporary Entrant): Họ cần chứng minh rằng mục đích đến Úc chỉ là tạm thời và phù hợp với mục tiêu visa du học.
  • Thời điểm nộp hồ sơ không hợp lý: Bạn thêm người phụ thuộc chỉ 1–2 tháng trước khi visa du học hiện tại hết hạn. Bộ Nội vụ Úc có thể nghi ngờ rằng bạn đang lợi dụng visa du học để kéo dài thời gian cư trú tại Úc.
  • Mối quan hệ không phù hợp với chuẩn mực văn hóa: Nếu bạn khai báo mối quan hệ de facto trong trường hợp loại hình quan hệ này hiếm thấy trong văn hóa của quốc gia bạn, hồ sơ có thể bị xem xét kỹ lưỡng hơn.
  • Bằng chứng về mối quan hệ không đầy đủ: Bạn nộp quá ít tài liệu hoặc thông tin chứng minh mối quan hệ là thật. Đơn xin visa phụ thuộc có thể bị từ chối.
  • Có lịch sử kết hôn: Một trong hai người từng kết hôn trước đó, Bộ Nội vụ có thể yêu cầu thêm bằng chứng để xác nhận mối quan hệ hiện tại.
  • Lịch sử học tập không tốt tại Úc: Bạn — với tư cách là du học sinh chính — có thành tích học tập kém, bỏ học, bị cảnh cáo học vụ hoặc chuyển trường nhiều lần. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hồ sơ xin visa của người phụ thuộc.

Việc thêm vợ/chồng hoặc người yêu vào visa du học Úc là một quá trình đơn giản nếu bạn đáp ứng đúng yêu cầu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ bằng chứng chứng minh mối quan hệ của mình và luôn cung cấp thông tin chính xác để đảm bảo hồ sơ được xét duyệt nhanh chóng.

Đặt lịch hẹn hôm nay với Đại diện di trú được cấp phép RMA của VisaEnvoy để được tư vấn cụ thể về lộ trình visa Úc phù hợp với bạn.

Recent News

Hướng dẫn xin lý lịch tư pháp (Police Check) Úc

Làm sao để chọn khóa học phù hợp nhất khi du học Úc?

Đăng ký mối quan hệ ở Úc như thế nào?