Mỗi năm, hàng ngàn công dân và thường trú nhân Úc tìm kiếm cơ hội đưa cha mẹ đến sống cùng gia đình tại Úc. Tuy nhiên, khi xét đến chi phí, những phiền toái, và đặc biệt là thời gian chờ đợi để xin visa bảo lãnh cha mẹ, nhiều người cảm thấy thất vọng và mất niềm tin vào hệ thống của Úc.
Thoạt nhìn, có vẻ như có khá nhiều sự lựa chọn cho visa bảo lãnh cha mẹ sang Úc, chẳng hạn như Visa Bảo lãnh cha mẹ diện đóng tiền (tiểu loại 143), Bảo lãnh cha mẹ (tiểu loại 103) và Visa Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi (tiểu loại 804). Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về quy trình xin visa, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc có được thường trú nhân Úc cho cha mẹ hoàn toàn không phải là một vấn đề đơn giản.
Thời gian chờ đợi kéo dài với visa bảo lãnh cha mẹ
Vấn đề lớn nhất trong hệ thống visa bảo lãnh cha mẹ của Úc hiện nay là thời gian xử lý hồ sơ. Theo khung thời gian tham khảo mới nhất do Bộ Nội Vụ cung cấp, tình hình thật sự đáng thất vọng:
- Hồ sơ xin Visa Bảo lãnh cha mẹ diện đóng tiền nộp ngày hôm nay dự kiến sẽ được xử lý vào năm 2038 (tức 14 năm chờ đợi).
- Hồ sơ xin Visa Bảo lãnh cha mẹ hoặc Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi nộp ngày hôm nay dự kiến sẽ được xử lý vào năm 2055 (tức 31 năm chờ đợi).
Để hình dung rõ hơn, nếu mẹ của một công dân Úc, hiện nay 70 tuổi, nộp đơn xin Visa Bảo lãnh cha mẹ diện đóng tiền hôm nay, bà sẽ phải đợi đến năm 84 tuổi mới nhận được kết quả visa (dù là chấp nhận hay từ chối). Nếu nộp đơn xin Visa Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi diện không đóng tiền, bà sẽ nhận được kết quả visa vào năm 101 tuổi.
Hạn mức cấp visa và tồn đọng lớn
Một trong những lý do dẫn đến thời gian chờ đợi kéo dài khi xử lý hồ sơ xin visa bảo lãnh cha mẹ là do chính phủ Úc giới hạn số lượng visa bảo lãnh cha mẹ được cấp mỗi năm. Trong giai đoạn 2022-2023, 8,500 visa bảo lãnh cha mẹ đã được cấp – mức tối đa theo hạn mức quy định. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với con số khiêm tốn 4,500 visa trong năm tài chính 2021-2022.
Dù đã tăng trong giai đoạn 2022-2023, hạn mức 8,500 visa bảo lãnh cha mẹ vẫn được duy trì cho các năm tài chính 2023-2024 và 2024-2025. Trong số này, 6,800 visa được phân bổ cho các Dòng Bảo lãnh cha mẹ và Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi diện đóng tiền, trong khi chỉ có 1,700 visa dành cho Dòng Bảo lãnh cha mẹ và Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi diện không đóng tiền.
Giới hạn số lượng visa không hề giúp giảm bớt số lượng hồ sơ xin visa bảo lãnh cha mẹ đang chờ xử lý vốn đã rất lớn. Hiện nay, lượng hồ sơ tồn đọng đã vượt 151,000, tăng gần 11,000 so với con số 140,615 vào năm 2023.
Chi phí visa bảo lãnh cha mẹ có thể là rào cản lớn
Bên cạnh quy trình phức tạp và thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí nộp hồ sơ xin visa thường trú cho cha mẹ sang Úc cũng là một trở ngại đối với nhiều người có mong muốn đoàn tụ gia đình.
Phí xin Visa Bảo lãnh cha mẹ (tiểu loại 143) hoặc Visa Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi (tiểu loại 804) là 5,125 AUD, là một trong những loại visa có chi phí cao tại Úc. Tuy nhiên, những ai muốn tận dụng thời gian xử lý ngắn hơn của visa bảo lãnh diện đóng tiền sẽ cần một khoản tài chính lớn, vì chi phí nộp đơn xin Visa Bảo lãnh cha mẹ diện đóng tiền (tiểu loại 143) hoặc Visa Bảo lãnh cha mẹ cao tuổi diện đóng tiền (tiểu loại 864) lên tới con số khổng lồ 48,495 AUD.
Một hệ thống đang chịu áp lực nặng nề
Những vấn đề trong hệ thống visa bảo lãnh cha mẹ tại Úc được nêu trên có mối liên hệ chặt chẽ, tạo ra các rào cản đáng kể cho những gia đình mong muốn đoàn tụ tại Úc. Các dòng visa bảo lãnh cha mẹ diện không đóng tiền có chi phí thấp hơn nhưng thời gian chờ đợi quá dài, hầu hết người nộp đơn khó có thể sống đủ lâu để hoàn tất quy trình và nhận được visa. Điều này làm cho việc xin các loại visa này trở nên không thực tế, buộc họ phải cân nhắc đến các diện visa đóng tiền.
Tuy nhiên, dòng visa diện đóng tiền với chi phí gấp gần mười lần lại là trở ngại lớn đối với nhiều người. Ngay cả với những người có khả năng tài chính, họ vẫn phải đối mặt với danh sách chờ khoảng 14 năm và hơn 150,000 hồ sơ đang chờ xử lý. Hạn mức 8,500 visa mỗi năm dự đoán sẽ được duy trì trong tương lai gần, lượng hồ sơ tồn đọng này khó có khả năng được giải quyết sớm.
Những điểm yếu của hệ thống hiện tại không chỉ được phản ánh thông qua các ứng viên, gia đình của họ, hay truyền thông, mà còn bởi một báo cáo độc lập do chính Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Úc đưa ra. Báo cáo The Review of the Migration System, công bố năm 2023, đã yêu cầu có một “cách tiếp cận mới và công bằng hơn” trong việc giải quyết nhu cầu cao về visa bảo lãnh cha mẹ, đồng thời nhấn mạnh tình trạng tồn đọng kéo dài nhiều thập kỷ là lý do chính khiến các gia đình Úc phải chờ đợi “những đơn xin visa bảo lãnh cha mẹ không bao giờ có kết quả”.
Giải pháp cải thiện hệ thống visa bảo lãnh cha mẹ?
Cho đến năm 1988, ông bà của công dân Úc gần như được đảm bảo quyền nhập cư để sống cùng gia đình tại Úc. Thật không may, hệ thống hiện tại dường như không khuyến khích việc đoàn tụ gia đình, mà ngược lại còn tạo ra nhiều khó khăn.
Các nhà hoạch định chính sách có lý lẽ không hề sai khi cho rằng việc chào đón một lượng lớn người nhập cư lớn tuổi, thường không còn trong độ tuổi lao động, sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội Úc. Vì vậy, có vẻ không thể kỳ vọng chính phủ sẽ giảm chi phí nộp đơn xin visa bảo lãnh cha mẹ trong tương lai gần. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp có thể giúp thúc đẩy việc đoàn tụ gia đình, đồng thời giảm bớt một số bất công và sự không minh bạch của hệ thống hiện tại, vốn thường không thể thực hiện đúng những gì đã cam kết.
Chính phủ có thể xem xét lại phạm vi của Visa Bảo lãnh cha mẹ tạm trú, thậm chí dỡ bỏ hạn chế hiện tại là cấm người giữ visa này xin visa thường trú. Trên thực tế, có vẻ hơi phi lý khi có một loại visa tạm trú có thể gia hạn dành cho những người lớn tuổi có gia đình tại Úc, nhưng lại cấm họ xin visa thường trú. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể sẽ làm tăng số lượng hồ sơ xin visa thường trú và do đó biện pháp này không đủ bền vững để giải quyết vấn đề thời gian chờ đợi kéo dài. Một giải pháp khác là loại bỏ hoàn toàn quyền xin visa thường trú cho cha mẹ, thay vào đó tập trung vào việc xây dựng visa tạm trú với chi phí hợp lí hơn, dễ tiếp cận hơn và có thể phụ thuộc tài chính từ người bảo lãnh.
Nếu không có ý định ra mắt các loại visa bảo lãnh cha mẹ mới hay thực hiện các thay đổi lớn với số lượng visa hiện có, thì có thể cải cách quy trình xét duyệt visa. Thay đổi đơn giản và hiệu quả nhất là tăng số lượng visa bảo lãnh cha mẹ được cấp mỗi năm. Chẳng hạn, Canada cấp 28,500 visa mỗi năm cho cha mẹ và ông bà của công dân và thường trú nhân, đồng thời yêu cầu mức tài chính cao hơn từ người bảo lãnh. New Zealand cũng có những quy định tương tự đối với visa bảo lãnh cha mẹ. Việc tăng số lượng visa được cấp hàng năm sẽ có tác động lớn nhất đến việc giải quyết lượng hồ sơ tồn đọng và giảm thời gian chờ đợi kéo dài.
Chính phủ cũng có thể cải cách quy trình xét duyệt mà không cần nâng hạn mức cấp visa. Một đề xuất từ báo cáo The 2023 Review gợi ý đưa ra hệ thống xổ số cho hồ sơ xin visa bảo lãnh cha mẹ, có thể áp dụng cho các hồ sơ mới hoặc thậm chí áp dụng cho lượng hồ sơ tồn đọng. Mặc dù vẫn có tranh cãi về việc hệ thống xổ số có công bằng hơn hệ thống xếp hàng hiện tại hay không, nhưng có thể lập luận rằng việc cấp visa dựa trên cơ hội là cách công bằng hơn so với việc yêu cầu người nộp đơn phải đối mặt với nguy cơ qua đời trước khi hồ sơ của họ đến lượt xét duyệt.
Related:
- Contributory Parent visa (subclass 143)
- Contributory Parent (Temporary) visa (subclass 173)
- Contributory Aged Parent (Temporary) visa (subclass 884)
- Aged Parent Visa (subclass 804)
- Parent Visa (subclass 103)
- Sponsored Parent visa (subclass 870)
- Australian Parent Visas
- Parent visa costs
- Parent visa assessment
Làm sao để chọn khóa học phù hợp nhất khi du học Úc?
Đăng ký mối quan hệ ở Úc như thế nào?
Visa Du học Úc onshore bắt buộc phải nộp kèm CoE
Group of Eight (Go8) – 8 trường Đại học hàng đầu tại Úc: Cầu nối ước mơ du học
7 Lưu ý quan trọng khi du học Úc dành cho sinh viên Việt Nam